DI TÍCH ĐÌNH NỘI BÌNH ĐÀ - XÃ BÌNH MINH - HUYỆN THANH OAI - THÀNH PHỐ HÀ NỘI

13/06/2024 14:15

Đền Nội Bình Đà thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân (từ truyền thuyết đến chính sử sau này đều ghi) nằm ở vùng châu thổ sông Hồng thuộc xã Bảo Cựu – Phủ Ứng Thiên – Đỗ Động Giang (nay là làng Bình Đà – xã Bình Minh – huyện Thanh Oai – TP Hà Nội). Đền thờ nhìn về hướng Tây, có núi Tam Thai ở phía tây - nam (nay gọi là khu Ba Gò). Theo truyền thuyết trong vùng và những dấu tích cổ còn lại, đây là nơi đặt mộ của Quốc tổ Lạc Long Quân.

          Đền Nội được xây dựng  từ thời cổ xưa, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dấu ấn thời gian chỉ còn lại qua những tấm bia thời Lý, thời Lê Trung Hưng. Đến thời Khải Định (1918) Đền được trùng tu với quy mô hoành tráng. Trải qua nhiều lần trùng tu, phục dựng, từ 1980 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền địa phương, ngành văn hóa các cấp cùng công đức bách gia trăm họ, kiều bào ta ở nước ngoài, nhân dân xã Bình Minh đã xây dựng lại ngôi Đền trên nền thiêng cũ. Đặc biệt là từ 2009 - 2010, nhân dịp chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, đền Nội đã được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đầu tư phục dựng quy mô và hoàn chỉnh, trở thành một di tích lịch sử - văn hóa lộng lẫy, trong không gian văn hóa thoáng rộng và có sức hấp dẫn du khách bốn phương.

Tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2 trên thế đất vồng cao như hình con rùa (Hoàng Quy Cung) đầu hướng về phía mặt trời mọc, nơi dòng sông Nhuệ uốn lượn mềm như dải lụa vắt ngang những thảm lúa mênh mông, hướng sông, thế đất tựa hình lưỡng phượng giao phi. Cửa đền nhìn ra hướng Tây, đồng điền nhô lên Ba Gò (còn gọi là Bảo Hoa, Tam Thai) mang dáng hình hổ phục, nơi đây tương truyền là nơi táng mộ Lạc Long Quân, xa xa dòng Hát lung linh có màu cẩm thạch, đôi bờ mềm mại lúa ngô, trông lên Tản Viên vời vợi một màu xanh như thách thức với thời gian, nắng khát, mưa nhuần. Phía Nam dòng Đỗ Động bắt nguồn từ sông Hát như chiếc đai ngọc lượn vòng rồi xuôi giữa làng, trở thành long mạch linh thiêng, cồn lên hai thềm phù sa nuôi dưỡng dân sinh và trở thành dòng sông thiêng âm thầm qua các thế hệ. Kèm theo đó, nước từ 6 hướng đổ về Đình Găng, Cầu Hội giống như những con rồng đang uốn lượn (lục long chầu hội). Phía Bắc chùa Bụt Mọc nằm giữa mênh mang cánh đồng Cổ Lõi, nơi tiềm ẩn những di sản quý báu từ thời Hùng Vương dựng nước (trống đồng, trầu vàng, cau vàng được tìm thấy năm 1984). Phải chăng khí thiêng sông núi đã hội tụ về đây tạo nên vùng cát địa !

Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngai Lạc Long Quân, cung đệ nhị đặt đồ thờ (tế tự), tiếp đến là đại đình (đại bái) phương đình nơi đặt lễ. Hai bên tả mạc đường bệ bao lấy khu sân gạch rộng lớn, bốn mùa rợp mát bóng cây. Trước ngọ môn là sân ngoài kề bên ao sen rộng 500m2 ngào ngạt dâng hương. Những công trình này đều được xây dựng khang trang mang đậm bản sắc phương Đông. Điều đáng quý trong Đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: thần phả, sắc phong, bia ký, chuông đồng, đồ tế tự, hoành phi, câu đối, văn trào…. Đặc biệt trong đền có bức phù điêu, một ấn tượng khó quên với nét chạm khắc tinh xảo trên nền gỗ được sơn son thiếp vàng còn nguyên giá trị, tương truyền cách đây gần chục thế kỷ. Bức tranh miêu tả cảnh Lạc Long Quân cùng văn võ bá quan xem hội đua thuyền. Đó là kết tinh văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc.

Tiềm năng về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Đền Nội đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích ngày 13 tháng 3 năm 1985.

* Bức phù điêu giá tượng

Nằm chính diện trong hậu cung trang trọng và uy nghiêm là bức phù điêu quý hiếm, hoành tráng, lộng lẫy, có chiều dài 2,8 mét và rộng 2,2 mét. Bức phù điêu có 5 tầng. Trên đó, hàng đầu có hai mươi vị quan văn mặc áo thụng, tay cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn. Mười sáu vị quan võ mang cân đai bối tử hùng dũng, quắc thước, cầm long đao. Mười tám thị nữ mặc áo dài nếp mỏng mềm mại đang dâng tráp sớ với đủ loại cờ quạt, tàn tán, ô, lọng. Ngoài ra còn có voi, ngựa và nhóm dân binh đội mâm dâng hoa quả. Phía trước các hàng người là dòng nước mênh mang hiện lên những con thuyền rồng cong mũi như đang rẽ sóng lao nhanh. Tục truyền, bức phù điêu này được khởi sự từ thời nhà Đinh, khi Đinh Tiên Hoàng lên làm vua đã cho xây đền Thượng tại Phong Châu để thờ các vua Hùng với mỹ tự: “Hùng Vương sơn nguyên Thánh tổ”. Người đã giao cho Hoàng hậu Đan Gia và Đinh Quốc công Nguyễn Bặc đặc trách, cùng với Bộ Lễ tuyển các thợ giỏi để chế tác bức giá tượng này.

Đây là công trình nghệ thuật – tín ngưỡng cổ xưa cực kỳ độc đáo, hiếm có, nếu không nói là duy nhất hiện có trong các di tích văn hóa tâm linh ở Việt Nam. Giá trị của bức giá tượng đã góp phần quan trọng tạo nên giá trị chung của di tích đền Nội, nơi thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Bình Đà.

Đỗ Động lưu truyền xuất Thánh nhân

Cõi Nam mở nước Lạc – Long – Quân

Tiên –Rồng bọc trứng sinh trăm Việt

Hồng Lạc cháu con ức triệu dân

Đường Quách thành xưa nền phát tích

Bảo – Đà mộ tổ miếu tôn thần

Trống đồng vang vọng hồn sông núi

Khói đỉnh, hương trầm vạn tuế xuân !

* Lễ hội truyền thống Bình Đà trước đây được mở chính thức từ ngày 24 tháng Hai đến ngày mùng 6 tháng ba âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, theo Quy chế tổ chức Lễ hội của Chính phủ, hội đền Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai chỉ mở dồn trong 3 ngày, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm (chung cho cả Đền Nội và Đình Ngoại). Ngày 4/3 âm lịch là ngày Nhật luân kỳ phước (tức là tế lễ cầu phúc ở cả hai Đền); ngày 5/3 âm lịch là ngày rước sắc và lễ trào, làm bánh thánh theo truyền thuyết để dâng vào Đền làm lễ Trào, buổi tối mồng 5/3 âm lịch vào giờ tuất làng làm lễ trào ở Đền Nội nhằm âm dương hoà hợp; ngày 6/3 âm lịch: buổi sáng tế cộng đồng (tế lễ Quốc Tổ và Đương Cảnh Thành Hoàng), rước bánh thánh ra giếng Ngọc để thả rồi té Thiên quan ngoài trời. Buổi chiều là lễ rước Hoàn cung (rước Đương Cảnh Thành Hoàng về đền Ngoại).

- Lễ hội Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân mang giá trị lịch sử độc đáo. Từ huyền thoại bước vào tâm thức lịch sử của cộng đồng, chủ điện thờ và cũng là nhân vật được vinh danh tại trung tâm lễ hội đã góp phần khởi dựng lại bóng dáng lịch sử Việt Nam thời dựng nước. Và nhờ đó, ý thức về lịch sử của cộng đồng qua nhiều nghìn năm đã trở thành bệ đỡ cho các truyền thống quý báu mang bản sắc Việt.

Tiềm năng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đền Nội đã được Bộ Văn Hóa Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích ngày 13 tháng 3 năm 1985. Và năm 1990, Đền Nội tiếp tục được Bộ văn hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 01/04/2014, Lễ hội Bình Đà đã được Nhà nước công nhận là lễ hội văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội. Ngày 25 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số: 2382/QĐ-TTg Quyết định công nhận Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân và nhân vật về thời kỳ Hùng Vương, hiện đang được lưu giữ tại Đền Nội - Bình Đà là Bảo vật Quốc gia.